Nghề làm bún ở làng Bặt hôm nay
Nghề gắn với tên làng
Cái tên “Bặt Bún” này xuất hiện gắn liền với truyền thống cả làng “Bặt” (Liên Bạt) làm bún. Theo các cụ cao tuổi trong làng, cụ tổ nghề bún Bặt bị thất danh, nhưng cứ vào ngày 20-8 (âm lịch) hằng năm, người dân trong làng lại tổ chức kỵ giỗ thánh sư nghề bún. Vào hôm đó, những người con làng Bặt làm bún ở các nơi xa đều tìm về chốn “quê cha, đất tổ” bày tỏ lòng thành kính trước đức tiên sư đã dạy dân nghề độc đáo này.
Khâu nhào, ép bột khô. |
Ngày xưa, vùng đất Ứng Hòa là đồng chiêm trũng, rất sẵn cua, nên những người làng Bặt Bún khi đem bún đi bán hoặc đổi gạo ở các làng quê khác thường kèm theo món riêu cua. Bún bông chan với riêu cua có vị chua của mẻ (hoặc bỗng rượu) rất thơm và béo đến mát ruột. Vì thế, ở làng Bặt còn truyền bài ca dao:
“Hỡi cô mà thắt bao xanh
Có về làng Bặt với anh thì về
Làng Bặt có cây bồ đề
Có ao tắm mát, có nghề bún riêu”.
Ông Đặng Đức Tiềm, Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Liên Bạt cho biết, cách đây khoảng 5 năm, trên địa bàn 3 thôn: Bặt Trung, Bặt Ngõ, Bặt Chùa có khoảng 300 hộ làm nghề bún. Nhưng đến nay, tổng số hộ làm bún tại các thôn này chỉ còn chưa đầy 40 hộ. Tuy nhiên, nhờ có máy móc thay thế hầu hết các khâu (công đoạn) mà trước đây do con người đảm nhận trong quy trình làm bún, nên sản lượng bún sản xuất ở Liên Bạt hằng ngày cung cấp cho thị trường không giảm. Hiện nay, bình quân mỗi hộ làm bún ở Liên Bạt sản xuất được khoảng 1 tấn bún/ngày.
Khâu vặn sợi bún cũng do máy móc đảm nhận. |
Hiện nay, những người làm bún ở làng Bặt Trung, Bặt Ngõ, Bặt Chùa trung bình mỗi ngày chế biến vài chục tấn gạo. Số bún sản xuất ra hằng ngày ở Liên Bạt đã được các quán ăn, nhà hàng trong các quận nội thành và một số huyện ngoại thành Hà Nội đặt mua. Theo các hộ làm bún ở Liên Bạt, dù máy móc đã thay thế người làm ở hầu hết các công đoạn làm bún, nhưng bún Bặt vẫn bảo đảm chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, đặc biệt vẫn giữ được vị ngon hấp dẫn như xưa.
Những năm gần đây, ngày càng có thêm nhiều gia đình ở Liên Bạt tạm rời xa quê hương để đến các địa phương khác làm nghề bún. Ông Đặng Đức Tiềm cho biết, chỉ tính riêng thôn Bặt Trung, với hơn 150 hộ thì có đến 50 hộ đi làm bún ở nơi khác…
Cũng như nhiều gia đình làm nghề bún ở làng Bặt, gia đình ông Tạ Như Khá đã mua ô tô tải để vận chuyển bún phục vụ các quán ăn, nhà hàng trên địa bàn Hà Nội. |
Dù ở đâu, người làng Bặt Bún cũng kỹ càng trong tất cả các khâu của quy trình làm bún. Vì thế, sản phẩm truyền thống của làng Bặt luôn giữ được niềm tin, sự yêu mến nơi khách hàng; “nhãn hiệu” bún Bặt ngày càng thêm nổi tiếng, tạo được uy tín trên thị trường cả nước.